Kỹ năng truyền thông: Cách quay phim, chụp hình

Posted: 01/07/2010 in Blog Thành Viên

VRNs (01.07.2010) – Sài Gòn – Nhật Ký Buổi Hội Thảo Thứ Ba

Thứ 7 ngày 26 tháng 6 năm 2010, bước sang buổi thứ 3 của khóa “Kỹ Năng Truyền Thông Cơ Bản”, nội dung chính của buổi hôm nay nói về cách quay phim chụp hình. Trong lớp học hôm nay có một vài điểm khác so với các buổi trước: các máy quay, chụp hình được trang bị và được đặt ở các góc của lớp học, có cả những máy quay hỗ trợ quay video dạng chuẩn HD.

Buổi học diễn ra trễ hơn mọi bữa một chút, lúc 18h17 phút Cha Anton Lê Ngọc Thanh bắt đầu buổi học với lời xướng “Kinh Đức Chúa Thánh Thần” cùng với các tham dự viên xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn.

Trước khi buổi học chính thức bắt đầu, Cha Anton đưa ra một tình huống với ý: các bạn sẽ chuẩn bị, tiếp cận như thế nào để viết bài khi chúng ta có nhiều hơn một sự kiện trong Giáo hội Công giáo diễn ra liên tiếp (ví dụ, Thánh lễ thụ phong linh mục tại DCCT, Giáo phận Phú Cường,…). Các tham dự viên suy nghĩ, thảo luận, các nhóm có 20 phút thảo luận để đưa ra cách tiếp cận, cách lấy thông tin, và cách viết bài của nhóm mình.

Tiếp ngay sau đó, Cha Anton đi ngay vào chủ đề chính của buổi học hôm nay là cách quay phim chụp hình, Cha Anton trình bày nội dung chính của bài:

  • Ánh sáng hậu cảnh tương phản
  • Bí quyết quay video phỏng vấn
  • Bố cục khung hình cân bằng
  • Mẹo quay phim đẹp hơn
  • 7 lỗi “chết người” khi quay phim
  • Kiểm tra máy quay qua chất lượng phim

Qua mỗi phần Cha Anton đã khai mở và lấy các ví dụ cụ thể, các tham dự viên đặt các câu hởi, thắc mắc cho mỗi tình huống. Phải nói rằng, xuyên suốt buổi trình bày của Cha Anton giúp các tham dự viên hệ thống lại cách làm xưa nay rất a-ma-tơ của chúng ta từ trước. Bởi vì, có thể ai cũng biết cầm máy và quay phim chụp hình nhưng ít ai nghĩ đến cách phải đặt máy quay đối diện với chủ thể, rồi cách thức di chuyển như thế nào, như thế nào là một clip đạt yêu cầu, sắp xếp và chuẩn bị kịch bản trước khi quay. Chưa hết, một loạt các mẹo quay phim, bố cục khung hình, các lỗi “chết người” được Cha đưa ra giúp tham dự viên điểu chỉnh, hệ thống lại. Buổi hội thảo hôm nay, không cao siêu, không mới nhưng ít ai biết để làm cho đúng. Nội dung của buổi học được các tham dự viên hưởng ứng và hiểu được ngay tại lớp.

Đúng 8h nghỉ giải lao, đây cũng là lúc các tham dự viên gặp gỡ và trao đổi về cách quay phim, chụp hình, về các loại máy trên thị trường, và sử dụng ngay các máy quay được ban tổ chức đặt sẵn trong phòng để thực hành.

8h15 các tham dự viên tiếp tục buổi học và được cha Anton trình bày các mẹo khi quay phim, chụp hinh, các lỗi chết người khi quay phim và những kinh nghiệm quý báu giúp các tham dự viên trang bị thêm cho mình khi mua, hay sử dụng máy.

Đúng 8h55 Cha Anton kết thúc phần trình bày nội dung chính của buổi học hôm nay và tiếp tục là phần chia sẻ của các nhóm về tình huống mà Cha Anton đã đưa ra lúc đầu, đại diện các nhóm đã nhanh chóng đưa ra cách tiếp cận của nhóm mình với các ý kiến được đưa ra:

–        Tìm sự khác biệt, tính mới nơi các sự kiên diễn ra thông qua phỏng vấn chính những người trong cuộc, những người tham gia vào sự kiện đó, …

–        Chuẩn bị, sắp xếp nguồn nhân lực để phân bổ đi các địa điểm diễn ra các sự kiện.

–        Dựa vào 13 qui ước để hoàn chỉnh bài viết.

Cha Anton đúc kết lại vấn đề trên với chú ý khi tiếp cận vấn đề trên: chúng ta cần tránh rập khuôn, cần tác nghiệp trước, ngay khi và sau khi diễn ra sự kiện, phỏng vấn chính những người trong cuộc và những người tham dự,… Cha dẫn ra các ví dụ về chính các sự kiện trong giáo hội như Thánh lễ phong chức linh mục, hay các sự kiện thể thao.

Nội Dung Bài Khóa

  1. 1. Ánh Sáng Hậu Cảnh Tương Phản
  • Ánh sáng là một trong những yếu tố hàng đầu khi quay phim
  • Tránh lấy hình tại những vùng có độ tương phản cao của ánh sáng: vùng sáng và tối, ánh sáng cường độ mạnh và bóng râm.
  • Không nên đặt chủ thể đang phát biểu đứng cạnh cửa sổ đầy ánh sáng, hoặc một bức tường trắng hay đứng ở vị trí nắng chói rọi phía sau lưng
  • Cách tốt nhất là lấy hình ở vị trí mặt trời hướng về phía chủ thể.
  1. 2. Bí Quyết Quay Video Trong Phỏng Vấn
  • Chọn thời gian quay thích hợp cho cả người phỏng vấn cũng như chủ thể
  • Bối cảnh của của buổi trò chuyện phải là nơi giúp chủ thể thoải mái, tự nhiên trò chuyện, không bị căng thẳng bối rối.
  • Nơi quay phim không được quá ồn ào, dọn dẹp các vật dụng linh tinh không gây “rác”
  • Chủ thể có thể mang theo bức ảnh cũ, bức ảnh giúp câu chuyện thêm sinh động.
  • Người phỏng vấn nên ngồi phía trước chân máy quay phim, đối diện với chủ thể. Chú ý tránh ngồi chắn góc quay của chủ thể.
  • Tập trung vào nội dung trò chuyện, nên hỏi rõ những điểm mà chủ thể nói mơ hồ, khó hiểu…
  • Nên chia nội dung phỏng vấn ra nhiều “tập” và mỗi lần quay nên tập trung vào một phần nội dung.
  • Hãy để nhân vật của bạn thể hiện rõ nét cá tính và một vài thói quen riêng đáng yêu của họ qua đoạn phim chân dung về mình.
  • Tránh di chuyển máy quay không cần thiết, và việc lạm dụng kỹ thuật zoom. Khung hình phải đúng yên 7 – 10 giây. Thông thường chuyển cảnh người ta sẽ “tạm dừng” cho đến khi chọn được cảnh rồi mới tiếp tục “quay”
  • Khi chủ thể nhìn thẳng vào ống kính máy quay, nên canh chỉnh hình chủ thể vào trunh tâm khung hình. Khi họ không nhìn thẳng, hãy đặt chủ thể vào 1/3 khung hình, nhìn về phía 2/3 còn lại của khung hình.
  1. 3. Bố Cục Khung Hình Cân Bằng

Chia khung ảnh làm 9 phần

Chú ý 4 điểm vàng. Đó là vị trí gây chú ý nhất đối với người xem

  1. 4. Mẹo Quay Phim Đẹp Hơn
  • Sử dụng chế độ lấy nét bằng tay nếu máy quay hỗ trợ tính năng này.
  • Thiết lập chế độ cân bằng trắng riêng cho từng địa điểm.
  • Khi quay phim ngoài trời luôn chọn vị trí mặt trời ở sau lưng.
  • Lên kế hoạch quay trước khi bấm máy. Bạn phải luôn chọn sẵn ý tưởng hoàn chỉnh trước khi bấm máy.
  • Sử dụng chân máy hoặc thiết bị ổn định hình ảnh khác.
  • Để tay cầm chắc chắn, hãy hình dung, chiếc máy quay trong tay là tách cà phê đầy nóng và giữ thật cẩn thận.
  • Zoom để lấy hình đẹp hơn.
  1. 5. 7 Lỗi “chết người” khi quay phim
  • Săn đầu người.
  • Lạm dụng tính năng zoom
  • Mọc rễ với máy quay.
  • Lia máy trên mọi cảnh quang
  • “Làm cao” quay mọi thứ ngang tầm mắt.
  • Quay tỉa
  • Hậu cảnh chói lóa
  1. 6. Kiểm Tra Máy Quay Qua Chất Lượng Phim
  • Bước 1:  đặt vài tĩnh vật nhỏ lên bàn, chọn một nhóm đồ vật đa dạng về màu sắc, hình dáng và các bề mặt phản chiếu. Ngoài ra, cần phải có một số vật có màu gần với màu trắng đơn sắc.
  • Bước 2: quay phim các tĩnh vật nói trên với điều kiện ánh sáng tối. Lưu ý, đảm bảo vùng quay phim phải được chiếu ánh sáng tốt.
  • Bước 3: so sánh hình ảnh khi xem lại đoạn phim trên máy với hình ảnh tĩnh vật thật. Hình ảnh đạt chất lượng khi các vật thể trắng phải có màu thật với vật thể thực tế, không bị vàng hoặc xanh. Nếu các vật thể trắng trông không giống màu sắc thực hãy sử dụng tính năng chỉnh cân bằng, trắng để điều chỉnh ảnh.
  • Bước 4: quan sát màu sắc của các hình ảnh trong đoạn phim vừa quay, đoạn phim đạt yêu cầu phải có độ sáng gần với vật thể thực nhất mà không bị chói hay nhìn không thật.
  • Bước 5: kiểm tra độ phơi sáng của ảnh. Vấn đề chính cần lưu ý ở đây là hình ảnh phải rõ đến từng chi tiết nhỏ.
  • Bước 6: kiểm tra phạm vi lấy hình tốt của máy, các vật thể phản quang trong số các tĩnh vật sẽ giúp bạn kiểm tra điều này. Hãy xem liệu các hình ảnh phản chiếu có sắc nét không.
  • Bước 7: kiểm tra hình có bị đốm, đứt quãng, hay bị hạt?
  • Bước 8: tìm hiểu, so sánh các mẫu máy quay khác nhau trên các trang bán hàng trực tuyến.
  1. 7. 9 Điều Cần Lưu Ý Khi Mua Máy.
  • Đừng quan tâm đến zoom kỹ thuất số, chỉ tập trung vào zoom quang học
  • Số megapixel không quá quan trọng như bạn tưởng.
  • Nên kiểm tra tính năng quay góc rộng.
  • Khả năng hoạt động trong điều kiện thiếu ánh sáng của máy.
  • Trọng lượng và kích thước của máy vừa tầm tay.
  • Có khái niệm cơ bản về các định dạng video.
  • Kiểm tra độ sáng màn hình LCD dưới ánh nắng.
  • Tính năng ổn định hình ảnh.

Bình Luận Nội Dung Trình Bày Của Thuyết Trình Viên

Đề tài “cách chụp hình và quay phim” trong buổi học thứ ba của khóa “kỹ năng truyền thông công giáo cơ bản” là một đề tài khá hấp dẫn và thực tiễn, đặc biệt là với những người mới tiếp cận với truyền thông công giáo.

Về phần chụp hình, thuyết trình viên đã giới thiệu sơ lược vài nét về cách chụp hình đẹp, đặc biệt là cách tránh các vùng có sự tương phản cao về ánh sáng. Đối với những tham dự viên chưa có cơ hội tìm hiểu cách chụp hình, phần “bố cục khung hình cân bằng” và các hình ảnh ví dụ sau đó đã giúp học viên hình dung rõ ràng hơn và biết cách nhấn mạnh chủ đề mình muốn diễn tả qua một tấm ảnh. Tuy nhiên, sẽ trọn vẹn hơn nếu thuyết trình viên trình bày thêm về các ký hiệu trên máy chụp hình, các chế độ chụp cùng chức năng cơ bản trên máy chụp hình… sẽ giúp các tham dự viên quen dùng chế độ “auto” sử dụng máy ảnh của mình hữu dụng hơn.

Về phần quay phim, thuyết trình viên chia sẻ sơ lược về các bí quyết phỏng vấn, các mẹo quay phim đẹp, các lỗi nên tránh và cách chọn mua máy quay. Trong phần trình bày này có rất nhiều “điểm son”, đáng để các tham dự viên chưa quen quay phim ghi nhớ nằm lòng. Có thể kể ra vài điểm người viết tâm đắc:

–        Khi phỏng vấn cá nhân, người phỏng vấn cần xem người mình đang phỏng vấn như bạn bè, và cuộc nói chuyện như là một buổi chia sẻ cởi mở, thân mật, chứ không phải như là “hỏi cung” hay tranh luận. Cũng không nên có những câu hỏi thiếu tế nhị nhằm bươi móc đời tư, hay tra hỏi cắc cớ. Một buổi phỏng vấn thành công là trước và sau khi phỏng vấn, người được phỏng vấn sẽ cảm thấy thoải mái và có thể cho ta thêm những cơ hội khác phỏng vấn họ sau đó.

–         Không nên zoom và lia quá nhiều khi chuyển cảnh, luôn để khung hình đứng yên ít nhất 7 giây để mắt ghi nhận về hình ảnh đó cụ thể hơn, thời gian ít hơn sẽ làm người xem khó ghi nhớ và thời gian dài hơn sẽ gây nhàm chán, lộ rõ tính sáng tạo bị hạn chế, trong khi đây là điều kiện cần để có những thước phim hay.

Tuy rằng, tham dự viên khó có thể đòi hỏi thêm nữa những kinh nghiệm của thuyết trình viên. Nhưng nếu các tham dự viên có cơ hội thực hành cụ thể qua các bài tập chụp hình và quay phim, và được thuyết trình viên “chấm điểm” và “chỉnh sửa”, sẽ là một cơ hội tốt để các tham dự viên mới vào nghề tự tin hơn sau khóa học. Mong lắm thay!

Trích sổ trực Nhóm 3

Comments
  1. ko can bjet says:

    thank a c da cho e bjt
    co j a c dua len nua nhe

Leave a comment